Thời gian gần đây có nhiều vụ trẻ em bị thú cưng hoặc vật nuôi trong nhà tấn công gây nguy hiểm cho tính mạng. Bởi vậy, để bảo vệ con tránh khỏi những nguy hiểm tiềm tàng từ động vật, cha mẹ cần phải dạy trẻ cách tiếp xúc, chơi đùa với thú cưng, vật nuôi sao cho an toàn nhất.
Một số lưu ý quan trọng khi nhà nuôi thú cưng
Thú cưng vốn dĩ là những con vật rất hiền lành, đáng yêu. Tuy nhiên, nếu chúng ta động đến “giới hạn” chịu đựng của chúng thì chúng sẵn sàng tấn công lại để bảo vệ bản thân. Và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tấn công nhất vì chúng chưa có kỹ năng phòng tránh và bảo vệ bản thân trước sự hung giữ của thú cưng hay các loại vật nuôi trong gia đình.
Bởi vậy, khi xác định nuôi thú cưng các bậc cha mẹ nên chọn loài động vật hiền lành. Đặc biệt cần tiêm ngừa dại đầy đủ cho vật nuôi, nhất là đối với chó mèo.
Hãy luôn giữ cho vật nuôi sạch sẽ, thường xuyên đưa chúng đi khám bệnh, tiêm phòng để tránh trường hợp nhiễm giun sán, hen suyễn, dị ứng… Bởi một số loại giun sán bệnh tật có thể truyền từ cơ thể vật nuôi sang trẻ nhỏ.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu gia đình nuôi chó thì nên triệt sản cho chúng và cho thú cưng tham gia lớp học về điều lệnh. Việc này giúp người nuôi dễ dàng kiểm soát tính cách và hành động của chúng. Cha mẹ nuôi chó cũng có thể dạy bé cách điều khiển chó thông qua hiệu lệnh.
Hãy để vật nuôi ở những ngôi nhà nhỏ của chúng, cách xa phòng ngủ của trẻ nhỏ. Và chỉ nên cho chúng ăn thực phẩm đóng gói hoặc thức ăn chín. Đặc biệt với chó mèo thì không nên cho ăn thức ăn sống. Cha mẹ tuyệt đối không cho con chơi các trò chơi vật lộn với thú cưng để tránh chó mèo cào cắn con.
Đối với loài chó khi ra đường hoặc ở nhà cha mẹ nên rọ mõm chúng lại, tạo khoảng cách an toàn giữa thú cưng và trẻ nhỏ để tránh những nguy hiểm tiềm tàng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Dạy trẻ cách chơi đùa an toàn với thú cưng
Trẻ em giống như những búp măng non, chúng còn quá yếu ớt để tự bảo vệ bản thân trước sự tấn công của thú cưng, vật nuôi trong nhà. Thế nên cha mẹ cần dạy con cách chơi đùa với chúng sao cho an toàn và cách xử lý khi bị tấn công.
Với trẻ nhỏ ở độ tuổi biết bò hay mới tập đi tránh tiếp xúc với vật nuôi vì còn quá bé và dễ bị tấn cồng. Với những bé lớn hơn, cha mẹ có thể hướng dẫn thông qua lời nói và hành động:
– Nếu thấy thú cưng bỗng nhiên đi tới gần, khụt khịt và ngửi chân trẻ mẹ hãy giải thích rằng: nếu con cố tình chạy, vật nuôi sẽ nghĩ rằng con đang đùa giỡn với nó và nó sẽ đuổi theo. Thay vì đó con hãy tìm cách tránh xa khi nó đang gầm gừ, nhe răng hoặc dựng lông.
– Nếu thú cưng đang ngủ hoặc đang ăn mẹ hãy hướng dẫn trẻ không bao giờ được nhìn chằm chằm vào mắt chúng hoặc trêu đùa chúng. Lúc này con hãy ngồi yên, che mặt lại và đừng quan tâm đến các hoạt động của thú cưng.
Với những bé từ 3 tuổi trở lên mẹ cần dặn dò con không được đưa tay vào mồm thú cưng nhất là chó và mèo. Không được đùa nghịch thái quá (nhảy lên người, cấu véo hay trêu trọc khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ). Tuy nhiên, trẻ con mải chơi thường dễ quên nên mẹ cần thường xuyên nhắc nhở con.
Đồng thời mẹ cũng cần dặn bé, trong trường hợp bị thú cưng, vật nuôi trong nhà cào cắn thì cần phải nói ngay với cha mẹ hoặc người lớn ở trong nhà. Bởi việc phát hiện sớm bé bị cào cắn ở vị trí nào sẽ giúp cha mẹ có biện pháp xử lý bảo vệ trẻ khỏi mọi nguy hiểm từ động vật.
Xử lý khi bị chó tấn công
Với tình trạng nuôi, thả chó tự nhiên, không có sự kiểm soát như ở nước ta, bất cứ ai cũng có thể bị chó tấn công bất ngờ. Để có thể tự bảo vệ mình, hãy nhớ những nguyên tắc sau để ứng phó:
Hãy thật bình tĩnh:
Khi phát hiện chó có dấu hiệu xù lông, gầm gừ chúng ta hãy thật bình tĩnh. Không được kích động, hoảng sợ mà bỏ chạy hoặc la hét lớn. Bởi việc làm này có thể khiến cho con vật càng liều lĩnh hơn và ngay lập tức nhảy bổ vào cắn bạn.
Giữ cơ thể ở tư thế cứng và bất động:
Khi con vật đến gần, hãy đứng yên, hai tay để hai bên tư thế giống như một cái cây và tuyệt đối không nhìn chằm chằm vào con vật. Trong nhiều trường hợp, con chó sẽ mất hứng và bỏ đi. Tuyệt đối không được lấy gạch đá hoặc cành cây để đánh con chó bởi như vật sẽ càng khiến chúng hung hăng hơn thôi.
Đừng cố bỏ chạy:
Hành động bỏ chạy có thể chính là nguyên nhân đánh thức bản năng săn mồi của loài chó. Nó có thể trở nên hung hãn hơn và cố rượt đuổi theo. Vậy nên, trong trường hợp này, đứng im là thượng sách.
Đánh lạc hướng bằng con vật khác:
Bạn có thể dùng bất cứ thứ gì trong tay để đánh lạc hướng con chó như thú bông, ba lô, chai nước. Con chó sẽ bị phân tâm một khoảng thời gian và bạn có thể nhanh chân nhờ sự trợ giúp.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã thực hiện hết những cách trên, chó vẫn có thể lao vào tấn công. Khi đó, hãy để chó cắn vào một vật gì đó trên cơ thể bạn, có thể là cánh tay áo, bao lô. Sau đó, từ từ bỏ lại vật đó và tranh thủ lúc con chó bị xao nhãng để rút lui.
Trường hợp không đủ thời gian để làm việc đó, hãy bảo vệ mặt, ngực và cổ họng bằng cách quỳ gối, gập người xuống, lấy 2 tay che đầu và nắm chặt tai. Đây là những vị trí mà loài chó thường nhắm đến theo bản năng của chúng. Tuy nhiên, bạn cũng không thể nằm yên cho chó tấn công. Hãy chống trả bằng cách đá vào điểm yếu của chúng như mắt, cổ họng, mũi hoặc gáy nhưng tuyệt đối không đánh vào đỉnh đầu chó vì sẽ khiến chúng giận giữ hơn. Ngoài ra, có thể sử dụng các chai xịt có sẵn trong tay như nước hoa, gôm xịt tóc xịt vào mặt chúng.
Khi chó dừng tấn công, hãy giữ bình tĩnh và nhẹ nhàng rời đi. Đừng tỏ ra sợ hãi nhưng cũng không làm những hành động đột ngột bởi con chó có thể quay lại tấn công bạn lần nữa. Hãy làm sạch vết thương bằng nước ấm và xà phòng nhẹ sau đó băng bó bằng gạc vô trùng và tới bệnh viện để điều trị.