Chuyển giao mùa từ xuân sang hè là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoành hành. Đây cũng chính là thời điểm dễ khiến cho làn da của trẻ bị tổn thương và là cơ hội để các bệnh về da phát triển mạnh như: hăm da, viêm da, ung nhọt, chóc lở…
1. Bệnh hăm da
Hăm da là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi mắc bệnh, vùng da của bé thường bị phát ban dạng chấm bi đỏ, có hơi sưng. Chủ yếu xuất hiện ở vùng da cổ, đùi, bẹn. Nguyên nhân gây hăm da thường do da bé bị ẩm ướt kéo dài do tiếp xúc với tã và độ thoáng khí kém nên vi khuẩn trong tã lót phát triển mạnh gây tổn thương da.
Để hạn chế tối đa tình trạng mắc bệnh hăm da ở bé mẹ không nên thường xuyên sử dụng bỉm tã. Nếu phải dùng thì nên dùng loại bỉm có khả năng hút ẩm tốt nhằm giữ cho da bé luôn khô thoáng. Khi cần thay tã lúc bé đi vệ sinh thì cần làm sạch vùng da, lau khô.
Đối với những bé bị hăm da mẹ cần làm sạch vùng hăm bằng nước ấm, sử dụng muối sinh lý hoặc nước pha thuốc tím rồi nhẹ nhàng dùng khăn mềm hoặc bông lau khô vùng da bị hăm. Hoặc mẹ cũng có thể thoa phấn rôm hoặc thuốc cho bé sau khi rửa. Các loại thuốc bôi thường được sử dụng là thuốc mỡ Bepanthen (dexpanthenol), xanh methylen… Trong trường hợp bé bị nặng thì cần đưa đến ngay bệnh viện để khám và có phương án điều trị hợp lý.
2. Rôm sẩy
Vào mùa hè trẻ thường rất dễ bị rôm sảy. Bệnh lý này khiến cho da trẻ xuất hiện nhiều nốt nhỏ đỏ và cứng thành từng mảng. Các mảng phát ban hơi đỏ và thường xuất hiện ở những vùng dễ bị nóng, có nhiều tuyến mồ hôi như cổ, mặt, bẹn, khủy tay, nách, phía sau đầu gối.
Rôm sảy thường làm cho các bé ngứa ngát, nóng bức, toát mồ hôi. Nguyên nhân gây nên bệnh lý này chủ yếu do tuyến mồ hôi của trẻ bị bít kín khiến mồ hôi không lưu thông được.
Để điều trị tận gốc bệnh lý này, các mẹ cần vệ sinh cơ thể bé hàng ngày bằng cách tắm nước ấm, nước mướp đắng… Sau đó lau khô người bé và thoa lên một chút bột Talc vào những chỗ ra nhiều mồ hôi. Mặt khác, các mẹ cần giữ nhiệt độ trong phòng ở mức ổn định, mở cửa sổ để không khí lưu thông; không nên mặc quá nhiều quần áo cho bé. Đặc biệt, cần đưa bé đi viện ngay nếu các cách điều trị dân gian không có hiệu quả.
3. Viêm da
Ở trẻ nhỏ khi bị viêm da thường có biểu hiện: xuất hiện các mảng phát ban đỏ, ngứa, tróc vẩy, đôi khi là phồng rộp. Nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng này chủ yếu là do da bé tiếp xúc với các chất gây dị ứng (xà phòng, chất tẩy rửa), hoặc do nhạy cảm ánh sáng.
Khi bé bị viêm da mẹ cần giữ vệ sinh sạc sẽ cho bé, không cho vùng da này tiếp xúc với các chấy tẩy rửa như xà bông, sữa rửa mặt… Trong trường hợp tình trạng viêm da trở nên nghiêm trọng cần đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra và có phương án điều trị khoa học.
4. Ung nhọt
Thời điểm giao mùa hoặc mùa hè nóng bức trẻ rất dễ xuất hiện ung nhọt dưới da. Lúc đầu da sẽ đỏ và sưng lên. Sau đó có cảm giác nóng và làm bé bị đau. Khi mủ tụ dưới da, chỗ sưng sẽ phồng căng lên. Ung nhọt nhanh chóng lan rộng do các nang lông nằng liền kề nhau. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ bị nhiễm trùng.
Trong trường hợp trẻ xuất hiện nhiều ung nhọt, có dấu hiệu nhiễm trùng, lan rộng, đau khoảng 2 – 3 ngày không vỡ thì mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ thực hiện các tiểu phẫu lấy ung nhọt ra. Trong trường hợp các nhọt nhẹ nhỏ có thể sử dụng cồn 70 độ hoặc thuốc sát trùng chấm vào vùng da nổi nhọt, sau đó sử dụng băng gạc để băng bó, xử lý vết thương.